- Trong năm 2019, các thị trường lao động mới ở châu Âu như Rumania, Bulgaria... là những thị trường thu hút hàng trăm nghìn lao động ngoài nước, mang đến những cơ hội việc làm rất tốt cho lao động Việt Nam.
Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, "tín hiệu" đáng mừng là hàng loạt thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang "mở cửa" với lao động Việt Nam. Năm 2018 những thị trường tốt chiếm tỷ trọng lớn, với 95% lao động làm việc ở 3 thị trường tốt nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Cùng đó, các thị trường lao động mới như Bulgaria và Rumani cũng sẽ thu hút hàng trăm nghìn cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại châu Âu. Dự kiến, chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động ở 6 lĩnh vực: Xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng.
Rumania cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng trong khu vực châu Âu, với nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp. Lao động Việt Nam sang Rumani có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600-1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 2 năm.
Lễ ký hợp tác giữa Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động và Chính sách xã hội Bulgaria hồi cuối năm 2018 (ảnh: tieudungplus)
Được biết, thời gian qua Bộ LĐTBXH đã tiếp rất nhiều đoàn của các nước đến với mong muốn ký kết hợp tác thỏa thuận xuất khẩu lao động, cùng đó là việc ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước bạn... Những hoạt động này đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, người lao động khi đi làm việc tại nước ngoài cũng cần lưu ý tìm hiểu và lựa chọn được thị trường minh bạch, có thu nhập tốt, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra và lựa chọn cách đi tốt nhất để được bảo vệ. Đồng thời phải cố gắng nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, tránh tìm đến các con đường xuất khẩu lao động "chui", gặp cảnh "tiền mất, tật mang" để rồi lại bị trục xuất về nước.